Cận cảnh khu nhà khách trên ‘đất vàng’ TP.HCM bị bỏ hoang nhiều năm
Tọa lạc tại địa chỉ số 1 Lý Thái Tổ (P. 1, Q. 10, TP.HCM), khu nhà khách là cơ sở nhà đất công nằm trên “tam giác vàng” giữa ba tuyến đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng gần Ngã Sáu Cộng Hoà.
Sở hữu vị trí đắc địa nhờ giáp ranh với các quận trung tâm TP.HCM nhưng suốt chục năm qua, mặt bằng này không được sử dụng.
Trong khuôn viên khu đất rộng 3,7ha của khu nhà khách có 7 căn biệt thự cũ được xây dựng theo kết cấu 2 tầng hoặc 3 tầng, chiếm tổng diện tích khoảng 7.000m2 với phần lớn là vườn cây gồm nhiều loại cây cảnh.
Trước đây, một căn biệt thự hướng ra đường Lý Thái Tổ và một phần diện tích đất được cho thuê để kinh doanh nhà hàng, sân chơi thể thao.
Ghi nhận, phía cổng chính được đóng kín có ô tô đỗ. Cánh cổng sắt gỉ sét theo thời gian, nhiều rác thải xung quanh. Cổng số 1B đường Lý Thái Tổ vẫn có bảo vệ trông coi.
Vỉa hè dọc tuyến đường Hùng Vương giáp với tường rào nhà khách, bị tận dụng làm nơi tập kết xe rác.
Các mảng tường bong tróc, bờ rào cũ kỹ xuống cấp xung quanh khu nhà khách.
Suốt nhiều năm qua, khu nhà khách này không được sử dụng, ngày càng xuống cấp và gây lãng phí. Vấn đề này đã được cử tri Q. 10 nhiều lần phản ánh, lần gần nhất là khi tiếp xúc với Tổ Đại biểu Quốc hội TP.HCM vào năm 2021.
Theo các cử tri Q.10, mặt bằng tại số 1 Lý Thái Tổ là “đất vàng” nhưng nhiều năm qua không sử dụng, rất lãng phí. Cần sớm có giải pháp khai thác hiệu quả, có thể cho xây dựng trung tâm thương mại, công trình văn hóa hoặc bán đấu giá để thu ngân sách.
Vào tháng 8/2023, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan Trung ương về việc lãng phí trong quản lý, sử dụng cơ sở nhà đất tại khu nhà khách số 1 Lý Thái Tổ, Q.10.
Trả lời kiến nghị trên, Bộ Tài chính cho biết đã đề nghị Bộ Ngoại giao khẩn trương có văn bản đề nghị thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý đối với cơ sở nhà đất số 1 Lý Thái Tổ, Q.10 theo quy định. Trong đó, Bộ Tài chính lưu ý, trường hợp Bộ Ngoại giao không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả thì có thể nghiên cứu hình thức điều chuyển, bán, thu hồi, chuyển giao cho UBND TP.HCM quản lý, xử lý. Đồng thời, đề nghị Bộ Ngoại giao trong thời gian chưa hoàn thành việc thay đổi phương án thì có trách nhiệm quản lý, sử dụng, bảo vệ và duy trì công năng của tài sản công theo quy định.