Thoái vốn tại nhiều ông lớn, nhưng Bộ Xây dựng vẫn muốn nắm 100% tại Vicem
Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Bộ Tài chính về tình hình triển khai Đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu.
Bộ Xây dựng cho biết, đối với các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, đến nay bộ đã phê duyệt phương án tái cơ cấu Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) giai đoạn 2021-2025, và đang thẩm định đề án cơ cấu lại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) giai đoạn 2021-2025, dự kiến phê duyệt trong quý IV/2023.
Đối với các tổng công ty nhà nước đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, Bộ Xây dựng đã có văn bản chấp thuận đề án tái cơ cấu Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma), Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) trong giai đoạn 2021-2025; đề án cũng được đại hội đồng cổ đông Coma, Lilama thông qua.
Với trường hợp của Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Bộ Xây dựng cho biết Bộ đang xem xét nội dung đề án tái cơ cấu lại Hancorp.
Lý do được Bộ Xây dựng đưa ra là khi xây dựng kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất chuyển giao quyền đại diện sở hữu nhà nước tại Hancorp về Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Tuy nhiên, trong Quyết định 1479 của Thủ tướng chưa có kế hoạch chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC nên bộ có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư báo cáo Thủ tướng việc này.
Liên quan đến kế hoạch cổ phần hoá, thoái vốn, chuyển giao vốn nhà nước trong ngành, trong giai đoạn 2022-2025, tiếp tục duy trì Công ty TNHH MTV đối với Tổng công ty Vicem, tức giữ nguyên tỷ lệ nhà nước nắm giữ vốn tại Vicem là 100% vốn.
Giảm tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước tại HUD xuống dưới 50%, thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các tổng công ty Viglacera, Coma, Lilama, Sông Hồng.
Bàn giao vốn nhà nước tại Hancorp về SCIC quản lý ngay trong năm 2023.
Báo cáo cụ thể về việc thực hiện kế hoạch trên, Bộ Xây dựng cho biết, Vicem và Hud đang thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Xây dựng cũng nêu ra một số vướng mắc làm chậm quá trình cổ phần hoá các tổng công ty thuộc bộ.
Đó là việc sửa đổi Luật đất đai thời gian qua đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành xin ý kiến phương án sử dụng đất, giá đất để xác định giá trị doanh nghiệp.
Việc lựa chọn đơn vị tư vấn xác định giá khởi điểm doanh nghiệp kéo dài, khối lượng định giá lớn.
Các tổng công ty 100% vốn nhà nước, tổng công ty có vốn góp của Nhà nước khi thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp cấp 2 mà doanh nghiệp cấp 2 chưa là công ty đại chúng hoặc có kết quả kinh doanh thua lỗ thì không được chuyển nhượng vốn theo phương thức đấu giá công khai theo quy định hiện hành.
Điều này gây khó khăn cho quá trình cổ phần hoá các tổng công ty theo nguyên tắc tối đa hoá lợi ích của Nhà nước.
Trước thực tế trên, Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, tham mưu với cấp có thẩm quyền xem xét ban hành quy định nhằm gỡ vướng theo hướng quy định cần sửa đổi, cho phép các tổng công ty 100% vốn nhà nước và các tổng công ty – CTCP có vốn góp của Nhà nước được thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp khác (doanh nghiệp cấp II) chưa phải là công ty đại chúng, hoặc đã là công ty đại chúng nhưng có kết quả kinh doanh thua lỗ theo phương thức đấu giá công khai.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và SCIC rà soát, tổng hợp, trình Thủ tướng xem xét, ban hành quyết định về danh mục các doanh nghiệp thực hiện chuyển giao về SCIC giai đoạn 2024-2025. Trong đó, bổ sung Tổng Công ty Hancorp vào danh mục đơn vị chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu từ Bộ Xây dựng về SCIC giai đoạn 2024-2025.