Nhiều vấn đề cần tháo gỡ để thị trường bất động sản phát triển
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản kiến nghị thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các bộ, ngành thực hiện liên quan đến ngành bất động sản.
HoREA cho rằng thị trường bất động sản hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy”. |
Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) nhận thấy, năm 2023 là năm mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã cùng các địa phương tập trung nỗ lực rất lớn để “giải cứu” thị trường bất động sản, tiếp xúc các doanh nghiệp đang gặp vướng mắc để cùng chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh, nhờ đó, thị trường bất động sản hiện nay tuy vẫn còn rất khó khăn nhưng đã đi qua “vùng đáy” và đang trong quá trình dần phục hồi và có thể phát triển vững vàng hơn từ nửa cuối năm 2024 trở đi.
Năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hàng trăm Nghị quyết, Nghị định, Quyết định, văn bản chỉ đạo điều hành, công điện, tổ chức nhiều hội nghị để lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, người dân, Hiệp hội và các chuyên gia. Điển hình là Nghị quyết 33/NQ-CP và Nghị quyết 97/NQ-CP của Chính phủ đã xác định tổng thể các giải pháp, đặc biệt là quan điểm: “Tất cả các chủ thể có liên quan phải đề cao trách nhiệm; chung tay tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch và bền vững”.
Nghị định 35/2023/NĐ-CP tháo gỡ vướng mắc pháp lý thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng hoặc Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép gia hạn thời gian trả nợ, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ hoặc Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngưng hiệu lực thi hành của một số quy định tại Thông tư 06/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Năm 2023, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 và Ngân hàng Nhà nước đã công bố Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn 1,5-2% so với lãi vay thông thường để thực hiện Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại nhà chung cư.
Tuy nhiên, Hiệp hội nhận thấy, vẫn còn một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2023 nhưng chưa được các bộ, ngành thực hiện đầy đủ. Cụ thể, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sớm ban hành “Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP quy định về giá đất” để tháo gỡ vướng mắc về công tác định giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại, bảo đảm không thất thu ngân sách nhà nước, cấp “sổ hồng” cho khách hàng và để chủ đầu tư dự án hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm đối với Nhà nước và khách hàng.
Hiệp hội đề nghị sửa đổi điểm c khoản 7 Điều 31 Nghị định 31/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật có liên quan để thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ và phù hợp với Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, để tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư, trong đó có thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” đối với các dự án nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại và để áp dụng chung trong phạm vi cả nước.
Tiếp đó, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh đề nghị gia hạn khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng đến hết ngày 31/12/2024 thay vì hết hiệu lực ngày 31/12/2023 để từng bước hoàn thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.
Ông Lê Hoang Châu cho biết, Hiệp hội đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng đề nghị không khống chế “trần” tổng chi phí lãi vay “không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ” của “doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết” để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời “bức tranh” hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh “doanh nghiệp có giao dịch liên kết” có hành vi “chuyển giá”, kê khống chi phí để trốn lậu thuế.