Sự thật việc ‘chen xếp hàng từ 2-3h sáng làm giấy tờ nhà đất ở Hà Nội’
Trao đổi với PV. VietNamNet hôm nay (9/4), ông Chu Đức Hiền, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh quận Hà Đông cho hay, thống kê cho thấy, sáng 8/4, cơ quan này tiếp nhận 53 hồ sơ. Trong đó, lượng hồ sơ về giao dịch đảm bảo chiếm gần một nửa, còn lại là đăng ký biến động đất đai.
Theo ông Hiền, so với các ngày của tuần trước, số hồ sơ tiếp nhận chung và hồ sơ về đăng ký biến động đất đai không tăng đột biến.
Ông Hiền nói rằng, có tình trạng người dân xếp chờ làm thủ tục hành chính tuy nhiên không phải tất cả người dân xếp hàng đều đến làm thủ tục về đất đai do chi nhánh sử dụng chung trụ sở với bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận Hà Đông.
“Hiện, rất nhiều văn phòng đăng ký đất đai các quận, huyện cũng sử dụng chung trụ sở với bộ phận một cửa, tiếp nhận và trả hồ sở của UBND cùng cấp có nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, bảo hiểm, tư pháp hộ tịch, hộ khẩu… nên số lượng người dân đến thực hiện thủ tục đông ở nhiều lĩnh vực.
Vì vậy, thông tin người dân chen nhau đến làm thủ tục về đất đai thời gian qua là không chính xác” – ông Hiền nói.
Lãnh đạo Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh quận Hà Đông cũng khẳng định, ngay khi có thông tin phản ánh, đơn vị đã cho kiểm tra hệ thống hình ảnh ghi nhận từ phía ngoài văn phòng ở nhiều khung giờ trong nhiều ngày qua thì không có ai xếp hàng đi làm thủ tục từ 2-3h sáng.
“Việc người dân đến sớm trước giờ hành chính 30 phút – 1 tiếng để xếp hàng chờ làm thủ tục là chuyện bình thường do tâm lý sợ đông, muốn được làm sớm, làm nhanh. Nhưng không có chuyện người dân xếp hàng từ 2-3-4h, thậm chí 5h sáng.
Đơn vị đã thực hiện tiếp nhận hồ sơ từ lúc 7h30 sáng, sớm hơn 30 phút so với trước đây, tăng thêm 3 – 5 người thực hiện hồ sơ lĩnh vực đất đai tùy theo lượt người dân đến hàng ngày. Quận vẫn luôn đảm bảo việc thực hiện được đúng theo quy trình, có sự phân luồng thuộc lĩnh vực.
Đối với khu vực làm biến động đăng ký đất đai, cũng được phân rõ bên nào đến nhận kết quả, nộp hồ sơ. Nộp hồ sơ phải đảm bảo có hồ sơ kiểm tra ngay từ bên ngoài, không gây phiền hà, mất thời gian cho người dân” – ông Hiền cho biết.
Theo chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các địa phương trên địa bàn Hà Nội, số lượng hồ sơ về đất đai trong quý I/2024 tập trung nhiều vào các hoạt động đăng ký giao dịch đảm bảo, giải chấp, thế chấp chứ không chỉ tập trung lĩnh vực giao dịch chuyển nhượng đất đai.
Số liệu từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông cho thấy, trong quý I/2024, tổng số hồ sơ văn phòng tiếp nhận là hơn 7.400 hồ sơ, thấp hơn quý IV/2023 với gần 7.900 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo và biến động đất đai là tương đương nhau, lần lượt là 3.385 và 3.990 hồ sơ.
Riêng trong tháng 3 vừa qua, từ sau Tết Nguyên đán, giao dịch đảm bảo (xoá chấp) tăng hơn 200% do có sự điều chỉnh về lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, xét trong hai quý số hồ sơ tiếp nhận không có sự đột biến.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Số liệu từ Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội cũng cho thấy, trong 5 tháng qua, đăng ký biến động đất đai (gồm mua bán nhà chung cư và thổ cư) trên toàn thành phố không có nhiều biến động, không có sự tăng trưởng đột biến.
Từ tháng 11/2023-3/2024, trên toàn thành phố, đăng ký biến động đất đai cao nhất vào tháng 11 năm ngoái với hơn 22.000 hồ sơ tiếp nhận giải quyết. Thấp nhất là thời điểm Tết Nguyên đán (tháng 2/2024) với gần 11.000 hồ sơ.
Sau Tết, đến tháng 3, đăng ký biến động đất đai trở về ổn định như các tháng trước đó với hơn 18.000 hồ sơ.
Biểu đồ: Hồng Khanh
“Có nhiều yếu tố thể hiện thực trạng thị trường bất động sản. Từ những con số đăng ký đất đai thời gian qua có thể thấy thị trường bất động sản không có những biến động đột biến. Đối với việc thực hiện thủ tục về đất đai, nếu tình hình có chiều hướng tiếp tục tăng cao, đơn vị sẽ tăng cán bộ lĩnh vực đất đai đến hướng dẫn người dân, để việc tiếp nhận hồ sơ được tốt nhất”, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội Chi nhánh quận Hà Đông cho biết thêm.