Tin Tức

Dư nợ tín dụng bất động sản gần 2,9 triệu tỷ đồng

Số liệu được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thống kê tại báo cáo vừa gửi tới đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật về thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023.

Đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN cho biết, giai đoạn 2015-2023, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đều có sự tăng trưởng.

Cụ thể, trong các năm 2015-2016, dư nợ tín dụng bất động sản đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu bất động sản khoảng 4,2%.

Những năm tiếp theo tín dụng cho vay lĩnh vực bất động sản tăng nhanh.

Biểu đồ: Hồng Khanh (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Năm 2017, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản, xây dựng tăng lên 529.000 tỷ đồng, tăng 9,21%, tỷ lệ nợ xấu với bất động sản cũng tăng lên 4,58%.

Từ năm 2018 đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực bất động sản bao gồm cả kinh doanh bất động sản và mục đích tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản luôn có tỷ lệ tăng trưởng cao.

Năm 2019, tín dụng cho vay bất động sản tăng 23,26%, đạt ngưỡng 1,6 triệu tỷ đồng. 

Thời điểm dịch bệnh 2020-2021, dư nợ bất động sản hằng năm vẫn tăng lần lượt là 12,06% và 15,7%.

Tiếp đó, năm 2022, dư nợ bất động sản tăng mạnh trở lại, đạt mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2023, tín dụng cho vay bất động sản tiếp tục tăng 11,81%, đạt ngưỡng 2,88 triệu tỷ đồng.

Về cơ cấu cho vay, NHNN cho biết, tỷ lệ dư nợ tín dụng với bất động sản chủ yếu là dư nợ trung và dài hạn (chiếm trên 90% tổng dư nợ). 

Biểu đồ: Hồng Khanh (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Giai đoạn 2015-2023, tín dụng với lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng từ 18-21% tổng dư nợ trong nền kinh tế.

Để kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, NHNN đã ban hành các thông tư 36, 22, 41 trong những năm qua, quy định tỷ lệ vốn huy động cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng từ 24-34%.

Cũng theo NHNN, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% trong tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản. Tỷ lệ này có sự giảm dần từ năm 2020 tới năm 2022 và đạt cao nhất vào năm 2023. 

Dư nợ tín dụng phục vụ mục đích tiêu dùng/tự sử dụng trong lĩnh vực bất động sản chiếm tỷ trọng khoảng 70%. Tỷ lệ này đạt cao nhất vào năm 2022 (68,72%) và thấp nhất vào năm 2023 (62,12%).

Về bảo lãnh bán nhà hình thành trong tương lai, theo NHNN, lũy kế trong giai đoạn 2015-2023 các tổ chức tín dụng đã cam kết bảo lãnh khoảng 307.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm tháng 12/2023, số dư cam kết phát hành cho người mua nhà vay khoảng 35.600 tỷ đồng, chiếm hơn 4% dư nợ bảo lãnh nói chung.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đang mua khoảng 191.400 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm tháng 12/2023.

Biểu đồ: Hồng Khanh (Nguồn: Ngân hàng Nhà nước)

Đánh giá về tình hình cấp tín dụng liên quan đến thị trường bất động sản, NHNN cho hay, các dự án bất động sản thường có thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn vốn của các tổ chức tín dụng là ngắn hạn nên các tổ chức tín dụng phải đối mặt với rủi ro khi cho vay.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng có tỷ trọng tín dụng bất động sản trên tổng dư nợ còn cao, tiềm ẩn rủi ro tín dụng, an toàn của chính tổ chức tín dụng đó cũng như cho hệ thống ngân hàng.

Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với nhà ở xã hội còn chiếm tỷ trọng thấp. 

Trước đó, Bộ Xây dựng có đề nghị NHNN tiếp tục rà soát và thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản. 

Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có giải pháp phù hợp, hiệu quả để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, vừa tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp, vừa kiểm soát được rủi ro, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, nhất là xem xét cụ thể để cho vay với các dự án bất động sản đang dở dang, sắp hoàn thành.

Ngân hàng vẫn đổ tiền cho vay bất động sản: Gần 1 triệu tỷ đồng rót vào các dự ánTính đến hết tháng 8, dư nợ tín dụng cho kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng, tăng thêm hơn 26.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7.
Chung cư tăng giá sốc, chuyên gia cảnh báoTheo chuyên gia, chung cư ‘một mình một ngựa’, đang tăng giá đáng sợ. Nếu không đẩy mạnh nguồn cung mới, như nhà ở xã hội và nhà giá rẻ, nhằm tăng tính cạnh tranh thì thị trường chung cư có nguy cơ vỡ ‘bong bóng’.


Nguồn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *