Hàng nghìn condotel chuyển thành chung cư ở Đà Nẵng, lo hệ lụy
Hàng nghìn căn condotel được chuyển thành chung cư
Mới đây, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã có thông báo về việc cho phép dự án Đà Nẵng Times Square của CTCP Kim Long Nam huy động vốn sau khi chuyển đổi từ condotel thành căn hộ chung cư.
Năm 2023, UBND TP Đà Nẵng đã cho phép CTCP Kim Long Nam được chuyển mục đích sử dụng đất đối với 4 lô đất CT3, CT7, CT1 và CT2 với tổng diện tích gần 4000m2, từ đất thương mại dịch vụ thành đất ở để xây căn hộ chung cư. Thời hạn sử dụng đất đến hết ngày 30/3/2056.
Được biết, dự án có hơn 1.800 căn hộ được chuyển thành chung cư với quy mô dân số gần 4.000 người.
Cùng với Đà Nẵng Times Square, dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire (Cocobay Đà Nẵng) của CTCP Đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô, cũng được chính quyền Đà Nẵng cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thương mại dịch vụ thành chung cư.
Cụ thể, năm 2019 UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 phân khu của dự án, cho chuyển đổi 50% các công trình căn hộ khách sạn (không hình thành đơn vị ở) đang xây dựng tại cụm HH2, HH3, HH5 thành căn hộ chung cư (hình thành đơn vị ở).
Với các công trình căn hộ khách sạn cao tầng chưa xây dựng tại cụm HH4, HH6, HH7 chuyển thành căn hộ chung cư, biệt thự, biệt thự song lập, nhà chia lô liền kề.
Riêng công trình cao tầng HH1 giảm chiều cao từ 50 tầng xuống 40 tầng, chuyển đổi 50% thành căn hộ chung cư. Theo đó, có khoảng 1.500 căn condotel được chuyển thành căn hộ chung cư.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết ngày 11/3/2022, CTCP Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô có tờ trình đề nghị điều chỉnh quy hoạch khu HH2 thành 100% căn hộ chung cư, khu HH3 thành 100% căn hộ khách sạn, giảm tầng cao khu HH4 từ 5 tầng xuống 4 tầng.
Sở Xây dựng đã có các văn bản báo cáo UBND thành phố về nội dung điều chỉnh quy hoạch chi tiết nêu trên, đề nghị Thành Đô nêu rõ lý do điều chỉnh.
Sau đó, UBND thành phố có thông báo giao Sở Xây dựng hướng dẫn chủ đầu tư về điều kiện điều chỉnh quy hoạch, báo cáo UBND thành phố xem xét, quyết định. Mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn nhưng đến nay chưa nhận được văn bản của chủ đầu tư.
Lo phá vỡ quy hoạch đô thị
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Cửu Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội quy hoạch và phát triển đô thị Đà Nẵng, cho rằng việc điều chỉnh từ condotel sang chung cư nhà ở cần chú trọng đến hạ tầng kỹ thuật và môi trường đô thị nếu không sẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ về sau. Đặc biệt, các dự án condotel đều chủ yếu nằm ở vị trí ven biển, khu phát triển du lịch.
“Căn hộ condotel không phải là hình thái ở vĩnh viễn mà lưu trú ngắn hạn, đến ở rồi đi. Người dân lưu trú ở đó có giới hạn và khép kín trong một không gian đó thôi. Còn khi chuyển đổi sang nhà ở thương mại, chung cư, dân số tăng lên thì phải đáp ứng được nhu cầu hạ tầng kỹ thuật, đường sá đi lại, cầu cống, bệnh viện, trường học… Chủ đầu tư vì lợi ích mà nhốt họ vào trạng thái sinh hoạt, quyền sinh hoạt của con người bị hạn hẹp, điều này là rất tệ hại”, ông Loan nói.
Ông Loan lấy ví dụ, 1 con đường rộng 10m, hạ tầng kỹ thuật như cống thoát nước, điện nước cung cấp đáp ứng cho khoảng 100 hộ dân, bây giờ ở đó mọc lên một toà nhà chứa hơn 100 hộ dân nữa, hệ thống thoát nước phá vỡ, không đáp ứng được, kéo theo đó là ảnh hưởng đến môi trường… Mật độ dân số tăng lên, trường học, bệnh viện, nhà trẻ đáp ứng được chưa? Hệ thống thoát nước, đường sá như thế nào?
Chính vì thế, ông cho rằng, các chủ đầu tư cần phải quan tâm, chú trọng đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật hạ tầng xã hội. Quan trọng nhất là các nhà quản lý phải có vai trò kiểm soát; không thể dễ dãi, bạ đâu làm đó sẽ phá vỡ hết quy hoạch. Chủ đầu tư phải đáp ứng được yêu cầu về môi trường, các tiêu chí quy định thì mới cho phép chuyển đổi.