Tổng giám đốc nói cũng bị lừa, hiện đang lái xe thuê
Tổng giám đốc nói cũng bị lừa?!
Tại các bài viết, VietNamNet đã phản ánh việc nhiều người dân vì tin lời môi giới quảng cáo công ty có các “suất ngoại giao” nhà ở xã hội nên đã nộp hàng trăm triệu đến hơn 2 tỷ đồng tiền cọc.
Tất cả “phiếu đăng ký tư vấn hồ sơ” và phiếu thu tiền của người mua nhà đều được đóng dấu treo mang tên Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát (Công ty Tân Nhật Phát). Còn tiền được chuyển vào tài khoản của bà Phạm Thị Hương. Theo người mua, bà Hương là kế toán trưởng công ty.
Theo thông tin công bố doanh nghiệp, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Tân Nhật Phát được thành lập ngày 7/8/2023. Người đại diện pháp luật là Phạm Hồng Phương – Tổng giám đốc và Phạm Thị Huyền Sâm – Phó giám đốc.
PV VietNamNet đến địa điểm Công ty Tân Nhật Phát tại LK 08-30, khu đô thị Văn Khê, phường La Khê, quận Hà Đông (Hà Nội) để tìm hiểu.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này không còn hoạt động tại địa chỉ trên, chỉ còn treo biển tên công ty. Hàng xóm xung quanh không ai biết họ chuyển đi đâu. Căn nhà đã được người khác thuê ở từ đầu năm nay.

PV tiếp tục liên lạc tới số điện thoại của bà Phạm Thị Hương và ông Phạm Hồng Phương – Tổng giám đốc do người mua nhà cung cấp.
Tuy nhiên, nhiều lần gọi điện và nhắn tin, bà Hương đều không nghe máy, nhắn tin không phản hồi.
Còn phía ông Phạm Hồng Phương, phóng viên nhận được câu trả lời: “Hiện đang làm công việc lái xe thuê nên không tiện nói chuyện trao đổi”.
Qua tin nhắn, ông Phương cho hay, ông đứng tên pháp nhân công ty nhưng cũng được trả lương như mọi nhân viên, với vai trò sale (bán hàng).
“Mọi vấn đề điều hành, quản lý công ty, quản lý tài chính đều là chị Hương kế toán trưởng, đồng thời là cổ đông công ty chỉ đạo điều hành. Sau khi chị Hương nhận tiền của khách hàng tại các dự án (NHS Trung Văn, Ecohome 3, dự án UDIC 214 Nguyễn Xiển), có dấu hiệu không thực hiện đúng theo các phiếu tư vấn mà chị Hương đã thỏa thuận với khách.
Bản thân em cũng là người bị lừa và chị Hương cũng đang cầm một số tiền của gia đình em. Em đã phối hợp và trình báo Cơ quan điều tra để yêu cầu chị Hương trả lại tiền cho khách hàng và yêu cầu báo cáo dòng tiền đang đi về đâu, như thế nào nhưng chị Hương cũng từ chối hợp tác nhiều lần, thậm chí còn dùng con dấu cũ của công ty (con dấu chị Hương quản lý) tự ký kết các hợp đồng.
Em cũng đang tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ dòng tiền của khách hàng và của chính em đã gửi cho chị Hương đang ở đâu để thu hồi, trả lại cho gia đình em và mọi người”, ông Phạm Hồng Phương nhắn tin trả lời PV VietNamNet.
Chúng tôi cũng đặt nhiều câu hỏi khác nhưng không nhận được thêm câu trả lời nào từ ông Phương.
Người mua nhà cần làm gì?
Trước sự việc 24 người đã nộp tiền để được mua “suất ngoại giao” nhà ở xã hội nhưng nhà thì không thấy đâu, còn người nhận tiền biến mất, Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SBLaw, cho rằng do nguồn cung nhà ở xã hội ít, một số đối tượng lừa đảo đã lập sàn giao dịch, quảng cáo có “suất ngoại giao”, thu được rất nhiều tiền cọc của người dân rồi biến mất. Thực tế này đã xảy ra nhiều.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội cần tìm hiểu dự án có đáp ứng đủ điều kiện không, rồi liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư.
“Không nên qua sàn hay qua môi giới, không nên tin họ nói có suất ngoại giao, càng không nên tin vào các lời hứa rồi xuống tiền đặt cọc hàng trăm triệu đồng, rủi ro rất cao.
Với các trường hợp đã đặt cọc tiền, cần thu thập chứng cứ, làm đơn gửi cơ quan công an, từ đó có cơ sở để họ điều tra, tìm kiếm đối tượng lừa đảo. Còn nếu thấy không liên lạc được với môi giới mà người mua không làm gì thì việc lấy lại được tiền là rất khó”, ông Hà nói.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê nhà ở xã hội đúng quy định, ngăn chặn và hạn chế tối đa các đối tượng môi giới lợi dụng, Sở Xây dựng Hà Nội mới đây đã đề nghị Công an thành phố tăng cường chỉ đạo công an cấp xã (nơi có dự án nhà xã hội) rà soát, xử lý môi giới lợi dụng nhận kê khai, nộp hồ sơ mua, thuê, thuê mua trái quy định pháp luật.
“Mọi hành vi gian dối khi kê khai và xác nhận hồ sơ nhà ở xã hội khi được phát giác, kể cả trong quá trình hậu kiểm sẽ bị xử lý theo quy định hiện hành”, Sở Xây dựng lưu ý.
Sở Xây dựng cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn người dân kê khai hồ sơ xác nhận điều kiện về nhà ở thuận tiện. UBND cấp xã cũng cần hỗ trợ người dân trong việc xác nhận các điều kiện về nhà ở, thu nhập, vay vốn ưu đãi.
Sở này cũng lưu ý người dân chỉ được nộp hồ sơ trực tiếp cho chủ đầu tư, không qua các đối tượng môi giới, sàn giao dịch bất động sản trung gian.
Tin vào các “suất ngoại giao” dự án nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), NO1 Hạ Đình (huyện Thanh Trì), Ecohome 3 (quận Bắc Từ Liêm), nhóm 24 khách hàng đã nộp tổng số tiền gần 19 tỷ đồng vào số tài khoản do bà Phạm Thị Hương là chủ tài khoản. Các khách hàng đã cùng ký đơn tố cáo Công ty Tân Nhật Phát và cá nhân liên quan đến Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an TP Hà Nội. |