‘Cú hích’ cho TPHCM, mở cánh cửa kinh tế hướng biển
Cần Giờ giữ vị trí quan trọng trên tuyến đường thủy huyết mạch từ Biển Đông vào TPHCM. Trong chiến lược phát triển của thành phố, Cần Giờ sở hữu nhiều lợi thế và tiềm năng về kinh tế biển, du lịch sinh thái, khu dự trữ sinh quyển thế giới, năng lượng điện gió – tất cả góp phần thúc đẩy phát triển bền vững, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, Cần Giờ vẫn là vùng “góc khuất” – huyện khó khăn, xa xôi và cách trở nhất của TPHCM.
Ý tưởng phát triển Cần Giờ thành khu đô thị nghỉ dưỡng, giải trí và du lịch sinh thái đã được ấp ủ suốt 30 năm qua. Tầm nhìn này đã được cụ thể hóa trong Quy hoạch TPHCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Cần Giờ – với hệ sinh thái tự nhiên phong phú, hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành một cực phát triển mới: vừa bảo tồn thiên nhiên, vừa phát huy tiềm năng về du lịch, dịch vụ, logistics và kinh tế biển.
Tuy nhiên, để phát triển khu vực này, cần có những mô hình đô thị mới, cách tiếp cận đột phá và sự đầu tư bài bản, có trách nhiệm.
Đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ không chỉ là một khu đô thị đơn thuần, mà được định vị là một thành phố sinh thái – thông minh – nghỉ dưỡng – dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đây sẽ là điểm đến chiến lược trong hành trình đưa TPHCM trở thành trung tâm kinh tế – tài chính – du lịch quốc tế, đúng theo định hướng phát triển của thành phố – ông Hải nhấn mạnh.

“Cần Giờ đang khẳng định một sự kết nối hoàn toàn mới, đánh thức cả vùng bờ biển theo tinh thần hướng ra biển”, PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ, sau khi Tập đoàn Vingroup khởi công dự án Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ – Vinhomes Green Paradise mới đây.
Chuyên gia Trần Đình Thiên nhấn mạnh rằng, việc cần có một đô thị biển tại Cần Giờ không phải đến bây giờ mới được đặt ra. Hàng chục năm trước, đã có định hướng để TPHCM phát triển theo hướng biển, nhưng chưa được hiện thực hóa.
Đây là một định hướng hết sức quan trọng, bởi TPHCM – đô thị đặc biệt và đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước – cần có tầm nhìn hướng biển. Đặc biệt, trong bối cảnh TPHCM đang nghiên cứu khả năng sáp nhập, liên kết vùng với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, định hướng này càng trở nên cấp thiết.
TPHCM mở rộng sở hữu sức mạnh tổng hợp từ nhiều nguồn lực: trung tâm công nghiệp, cảng biển, tài chính và khát vọng vươn ra giao thương quốc tế. Với vị thế đó, ông Thiên nhận định, việc xây dựng đô thị du lịch lấn biển tại Cần Giờ sẽ tạo nên một sức bật mạnh mẽ – cả về tầm vóc, vị thế – không chỉ cho TPHCM mà còn cho toàn quốc.
“Chúng ta phải nhìn ra biển từ đất liền bằng một tầm mắt khác”, ông Thiên nói. “Không chỉ riêng TPHCM, dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ đã khởi động cho cả một dải bờ biển phía Nam chuyển động”.
Theo ông, việc mở rộng không gian phát triển hướng biển chính là xây dựng nền kinh tế biển theo chuỗi đúng nghĩa, thay vì cách tiếp cận truyền thống kiểu “mò cua bắt ốc” hay tàu thuyền ra khơi đánh bắt đơn thuần.
Hơn nữa, khi dự án hoàn thành, sức lan tỏa còn lớn hơn. Cần Giờ sẽ trở thành điểm kéo động lực, thúc đẩy cả vùng phát triển theo hướng hiện đại, hội nhập toàn cầu và dựa trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng đồng bộ.
Bên cạnh đó, đô thị lấn biển Cần Giờ sẽ tạo ra sức hấp dẫn lớn trong thu hút nguồn lực con người, tài chính và công nghệ từ khắp nơi đổ về. Vì vậy, cần nhìn nhận đây không chỉ là một công trình đơn lẻ, mà đây còn là dự án mang tầm vóc chiến lược.
Dự án còn thụ hưởng lực cộng hưởng từ các chương trình, dự án lớn khác mà TP.HCM đang triển khai, tạo thành một tổ hợp phát triển có sức mạnh tổng hợp vượt trội.
PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá, dự án còn thể hiện vai trò dẫn dắt quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong tăng trưởng. “Ở một góc độ nào đó, đây có thể coi là niềm tự hào của Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định sự đúng đắn trong chủ trương của Đảng và Nhà nước khi đặt niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân để thúc đẩy phát triển”, ông nói.
Tuy nhiên, để trao sứ mệnh cho khu vực tư nhân, cần đồng thời tạo điều kiện – cả về cơ chế, quyền hạn và không gian phát triển – để họ có thể hiện thực hóa vai trò của mình.
“Tôi kỳ vọng việc thực thi dự án khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ sẽ trở thành hình mẫu cho mối quan hệ mới giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng xã hội”, ông Thiên bày tỏ.
Lấn biển không phải là mô hình phát triển mới. Không ít quốc gia trên thế giới, cũng như nhiều địa phương tại Việt Nam, đã triển khai từ nhiều năm qua. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, cả nước có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố.
Điển hình là dự án khu đô thị lấn biển Rạch Giá (Kiên Giang) được phê duyệt từ năm 1999, diện tích 420ha; dự án khu đô thị quốc tế lấn biển Đa Phước (Đà Nẵng) rộng 210ha; dự án khu đô thị Hạ Long Marina Quảng Ninh 287ha; khu du lịch quốc tế Đồi Rồng Đồ Sơn (Hải Phòng) 480ha…
Ngoài ra, trong quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, địa phương này cũng định hướng phát triển 50.000ha về phía biển – bao gồm cả lấn biển – nhằm tạo động lực phát triển mới.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đình Thiên, khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ được xây dựng trên những nguyên tắc đã được thảo luận kỹ lưỡng và đang từng bước trở thành chuẩn mực phát triển mới. Hai yếu tố cốt lõi làm nên giá trị khác biệt của dự án là định hướng sinh thái và nền tảng công nghệ cao. Đây là sự kết hợp giữa lợi thế tự nhiên chưa được khai thác đúng mức và yêu cầu phát triển thời đại mới – hiện đại, thông minh, bền vững.
Đáng chú ý, dự án được khởi công trong thời điểm tinh thần cải cách thể chế đang lên cao và Trung ương đang dành nhiều ưu tiên đặc biệt cho TPHCM. Từ Nghị quyết 98 của Quốc hội đến hàng loạt chủ trương lớn khác đã tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù, mở đường cho TPHCM bứt phá.
Sự đóng góp của dự án không chỉ giới hạn ở bản thân khu đô thị, mà còn là một hình mẫu phát triển có thể nhân rộng. “Từ đây, các địa phương khác hoàn toàn có thể học hỏi và triển khai các mô hình tương tự”, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
