Tượng rồng ma mị ở Huế từng được lên báo Mỹ trước thời điểm phá dỡ
Được đầu tư bởi Công ty Du lịch Cố Đô, khai thác từ năm 2004, công viên nước hồ Thủy Tiên nằm dưới chân đồi Thiên An (xã Thủy Bằng, TP Huế), diện tích gần 50ha bị đóng cửa, bỏ hoang nhiều năm nay do khai thác không hiệu quả.
Tại đây có hạng mục tượng rồng cao 20m, dài 50m, được đầu tư 70 tỷ đồng. Công trình này sẽ được dỡ bỏ để chỉnh trang khuôn viên hồ.
Ông Trương Phước Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị thi hành án đã triển khai các thủ tục theo quy định, đang tháo dỡ tài sản và các hạng mục công trình, trong đó có hình tượng rồng. Hiện đơn vị trúng đấu giá xin được kéo dài thời gian vì mực nước hồ đang cao, dẫn đến việc thi công gặp khó khăn. Việc dỡ bỏ dự kiến tiến hành sau Tết Nguyên đán, lúc đó mực nước sẽ giảm.
Năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định thu hồi toàn bộ diện tích của dự án để bàn giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh) quản lý. Khu đất này sau đó được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo bàn giao cho TP Huế quản lý, khai thác.
Địa danh này bỗng nổi tiếng thế giới khi tờ HuffingtonPost của Mỹ đăng tải bài viết với tựa đề: “Công viên nước bỏ hoang không dành cho những trái tim nhút nhát”. Tờ này đã dùng từ ”địa ngục” để mô tả công trình.
Nhiều khách du lịch, đặc biệt là người nước ngoài khi đến Huế đã tranh thủ đến đây để check-in vì tò mò sự rùng rợn, đáng sợ đó.
Nhiều người dân Huế và du khách cảm thấy tiếc nuối khi hình tượng rồng này sẽ bị tháo dỡ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Theo lãnh đạo thành phố Huế, 20 tỷ đồng chỉ đủ để chỉnh trang một phần Công viên hồ Thủy Tiên đồng thời hướng đến việc mở cửa nơi đây thành một công viên công cộng, phục vụ người dân. Trước mắt, việc chỉnh trang bắt đầu từ tuyến đường dạo quanh hồ Thủy Tiên dài hơn 2km, rộng 4,5 – 6m, cải tạo tuyến đường bê tông hiện trạng, hệ thống điện chiếu sáng và hệ thống cấp, thoát nước…
Khu vui chơi giải trí Hồ Thủy Tiên ban đầu do Công ty du lịch Cố đô Huế đầu tư, khởi công xây dựng năm 2000 đến tháng 6/2004, với số vốn hơn 70 tỷ đồng. Nhà đầu tư đã cho xây dựng khu du lịch thủy cung, hệ sinh thái đa dạng, phong phú từ các loài cá đầy sắc màu ấn tượng đến những loài bò sát quý hiếm, sân khấu nhạc nước với sức chứa 2.500 chỗ ngồi, hệ thống 20 phòng ngủ cao cấp nằm đan xen trên các triền đồi.
Tuy nhiên do đầu tư dang dở nên công trình hoạt động kém hiệu quả, không thu hút được du khách. Năm 2008, Công ty Du lịch Cố đô đã chuyển nhượng cho Công ty TNHH Haco Huế.
Công ty TNHH Haco Huế chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2009, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động vui chơi giải trí. Người đại diện pháp luật doanh nghiệp là ông Đặng Mạnh Thắng. Người này còn là đại diện pháp luật của một số công ty khác gồm Công ty TNHH MTV thiết bị Haco, CTCP ANTK Phú Quốc….
Sau khi tiếp nhận Công viên hồ Thuỷ Tiên, Công ty TNHH Haco Huế đã thiết kế lại dự án với tổng kinh phí dự kiến đầu tư tiếp tục là 270 tỷ đồng. Tuy nhiên sau đó, Công ty Haco Huế cho biết không có khả năng triển khai dự án, và đề nghị tỉnh kêu gọi nhà đầu tư khác vào đầu tư và xem xét hoàn trả lại chi phí đã bỏ ra xây dựng tại đây.
Lê Huy Hoàng Hải